Mục lục [Ẩn]
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh than (còn gọi là bệnh nhiệt thán) đang bùng phát mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây một bệnh truyền nhiễm trên động vật và có khả năng lây nhiễm cho người.
Người dân mắc bệnh than ở tỉnh Điện Biên
Bệnh than bùng phát mạnh
Ngày 16.6, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu tháng đến nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh than.
Như vậy, hiện đã ghi nhận tổng cộng 17 người mắc bệnh ở một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, và Điện Biên. Ngoài ra, còn có hơn 230 trường hợp phơi nhiễm. Đây là những người trực tiếp giết mổ hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh.
Còn với gia súc, từ ngày 5/5 đến nay, đã ghi nhận 6 ổ dịch bệnh nhiệt thán ở các tỉnh trên với tổng số trâu bò mắc bệnh và tiêu hủy gần 20 con.
Nguyên nhân chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm vaccine. Khi trâu bò chết, bà con không khai báo, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới bệnh lây sang người.
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, do các nguyên nhân sau:
- Một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở khiến việc tiếp cận thông tin liên lạc và hoạt động giám sát, phòng chống dịch khó khăn.
- Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc, từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người.
- Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ. Điều này dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết… mà không khai báo cho chính quyền địa phương và bán thịt gia súc ốm, chết cho người dân ở địa phương khác dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người ngày càng lan rộng.
Để ngăn chặn dịch bệnh, lãnh đạo Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc có nguy cơ cao, ở những nơi người dân giết mổ gia súc bệnh, nơi người dân mua thịt gia súc nghi mắc bệnh về tiêu thụ.
Các địa phương cần thực hiện thường xuyên, liên tục biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh và lập trạm, chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, thịt gia súc từ vùng dịch ra bên ngoài làm lây lan dịch bệnh.
Cùng với đó, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu và tính chất nguy hiểm của bệnh than, không tự ý vận chuyển, giết mổ gia súc, bán, cho, tặng, ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Một trong những triệu chứng của bệnh than là vết thương xuất hiện trên da có màu đen
Bệnh than - Căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm ở người
Bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than.
Tỷ lệ tử vong do bệnh than không được điều trị từ 5-20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả, ít khi xảy ra tử vong.
Có 3 con đường nhiễm bệnh chính là qua da, qua đường tiêu hóa và qua đường hô hấp với các triệu chứng khác nhau.
- Nhiễm qua da: Đây là thể bệnh có tỉ lệ phổ biến nhất và cũng ít nguy hiểm nhất. Khi bệnh nhân tiếp xúc mầm bệnh thông qua vết thương trên da hoặc sử dụng các sản phẩm động vật như lông, da sống, len,… Các vị trí lây nhiễm dễ gặp thông qua da chính là cổ, cẳng tay, bàn tay. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện vết rộp hoặc mụn nhỏ, không đau, hơi ngứa. Sau đó, tổn thương có thể lan rộng ra, xung quanh miệng vết thương sưng nhẹ và có màu hơi đỏ còn ở giữa có vảy màu đen...
- Nhiễm qua đường hô hấp: Là trường hợp người tiếp xúc mầm bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn có trong không khí. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là khó thở, sốt và ớn lạnh, khó chịu ở ngực, buồn nôn,...
- Nhiễm qua đường tiêu hóa: Ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.
Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh như: không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thương nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc. Khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.
XEM THÊM: