Mục lục [Ẩn]
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng trong tuần vừa qua trên địa bàn thành phố đang gia tăng mạnh. Dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và có thể dẫn tới tử vong, Sở Y tế TP. HCM vừa lên các kịch bản đối phó tình hình dịch bệnh.
Tài liệu tuyên truyền của HCDC về phòng, chống bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong tuần 23, toàn thành phố ghi nhận 423 ca mắc tay chân miệng, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước (175 ca).
Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú.
Về điều trị, tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 936 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của TP.HCM, trong đó có 46 ca nặng và đã có 4 trường hợp tử vong (là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về).
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có chiều hướng xấu, Sở Y tế Tp.HCM đã xây dựng 3 kịch bản đối phó nếu có nhiều các ca bệnh nặng.
Tình huống thứ nhất: Dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị bệnh tay chân miệng trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực. Các bệnh nhi tay chân miệng được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.
Tình huống thứ hai: Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200 - 700 ca đang điều trị nội trú và 20 - 70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện. Lúc này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi tay chân miệng được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Tình huống thứ ba: Dự kiến được triển khai khi TP có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Song song đó, hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương dự trù thuốc và dịch truyền, trang thiết bị - vật tư y tế cho các kế hoạch ứng phó nêu trên. Hiện Sở Y tế cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị tay chân miệng để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.
HCDC giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại Phường 14, Quận 6
TP. HCM tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng bệnh tay chân miệng như:
- Số đồ chơi thay vì sát khuẩn hai lần một tuần như trước kia, các cô giáo mầm non sẽ thực hiện hàng ngày.
- Trẻ khi đến lớp cũng được các cô giáo kiểm tra kỹ lòng bàn tay chân để kịp thời phát hiện trẻ mắc bệnh. Với khâu vệ sinh bàn tay, các bé được giáo viên hướng dẫn kỹ. Đây cũng là biện pháp quan trọng để phòng bệnh.
- Các trung tâm y tế tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tập huấn cho các giáo viên, trường học thực hiện phòng chống tay chân miệng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng, ngành Y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
- Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.
XEM THÊM:
- Bệnh than diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhất trong 10 năm qua
- 3 Bệnh lý thường gặp ở tuyến tiền liệt các quý ông cần đề phòng