Mục lục [Ẩn]
Nếu đang nghi ngờ hoặc lo lắng con mình bị còi xương thì bạn nên theo dõi bài viết ngay sau đây. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và đưa ra cho bạn giải pháp hữu ích, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Trẻ bị còi xương là tình trạng như thế nào?
Trẻ bị còi xương là tình trạng như thế nào?
Còi xương là tình trạng chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn, trong đó thường gặp là ở trẻ dưới 3 tuổi.
Hiện tượng còi xương ở trẻ em xuất phát từ việc thiếu vitamin D, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa calci và phospho (hai yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên bộ khung xương của con người), gây ra sự rối loạn dưỡng xương, giảm khoáng hóa của đĩa sụn tăng trưởng, giảm khoáng hóa xương.
Trẻ em bị còi xương thường là những đứa trẻ sống ở vùng núi, sương mù nhiều, ít ánh nắng hoặc trẻ ở đồng bằng nhưng thường xuyên ở trong nhà, không được tắm nắng đầy đủ. Ngoài ra, trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi, trẻ được nuôi bằng sữa công thức, trẻ quá bụ bẫm, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc trẻ được sinh ra vào những tháng mùa đông cũng có nguy cơ bị còi xương cao hơn so với những đứa trẻ khác.
Những biểu hiện ở trẻ bị còi xương
Những đứa trẻ bị còi xương sẽ có một số những biểu hiện như sau:
- Mọc răng chậm.
- Vùng xương đầu có những bất thường như:
- Xuất hiện bướu ở đỉnh đầu.
- Trán dô (bướu trán) hoặc đầu bẹp theo kiểu đầu cá trê.
- Thóp rộng và mềm
- Thóp không đầy và phập phồng theo nhịp thở.
- Rối loạn trương lực cơ, một số trường hợp hay bị táo bón.
- Trẻ chậm phát triển vận động như biết lẫy, biết bò, biết đi, biết chạy chậm hơn so với những đứa trẻ khác.
- Tóc rụng nhiều tạo hình vành khăn ở sau gáy.
- Trẻ dễ giật mình, ngủ không yên giấc, dễ đổ mồ hôi lúc ngủ.
- Trẻ thường quấy khóc.
Khi bị còi xương nghiêm trọng, trẻ có những dấu hiệu như: Có chuỗi hạt ở xương sườn, dị tật xương ức gà hay còn gọi là ngực lồi, và chân tay vòng kiềng. Còn trong trường hợp bị còi xương cấp tính, trẻ có thể bị co giật do hạ calci máu.
Hình ảnh chân của trẻ bị còi xương nghiêm trọng
Cần phân được tình trạng còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ
Không ít người đang hiểu lầm rằng còi xương và suy dinh dưỡng là giống nhau. Tuy nhiên, đây lại là hai tình trạng khác nhau, cụ thể:
|
Trẻ bị còi xương |
Trẻ bị suy dinh dưỡng |
Bản chất |
Cơ thể trẻ thiếu vitamin D, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa calci và phospho - Hai thành phần quan trọng của khung xương. |
Thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác nhau làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. |
Đối tượng |
Thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi |
Thường gặp ở trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi |
Triệu chứng |
Mọc răng chậm, tóc rụng kiểu vành khăn, thóp rộng và mềm, không đầy và phập phồng theo nhịp thở…. |
Không lên cân, giảm cân, chậm tăng cân, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo, da xanh, tóc mọc thưa rụng, rụng tóc ở vùng chẩm (chiếu liếm)... |
Nguyên nhân |
Chủ yếu là do thiếu vitamin D |
Do chế độ ăn uống thiếu chất, cai sữa sớm, trẻ kém hấp thu… |
Điều trị |
Bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin D và calci như là một biện pháp chữa trị duy nhất cho trẻ còi xương. |
Ngoài vitamin D và calci, trẻ cần được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác để phát triển bình thường.
|
Trẻ bị còi xương (trái) và trẻ bị suy dinh dưỡng (phải)
Nguyên nhân gây còi xương ở trẻ là gì?
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ đó là thiếu hụt vitamin D. Việc thiếu vitamin này xuất phát từ các nguyên nhân:
- Trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Chế độ ăn của trẻ không có dầu mỡ nên cơ thể trẻ giảm hấp thu vitamin D từ thức ăn.
Ngoài ra, những nguyên nhân cũng khiến nguy cơ bị còi xương ở trẻ tăng lên đó là:
- Thiếu vitamin K2: Đây là một protein vận chuyển calci tạo xương
- Do chế độ ăn không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng như calci, phospho, kẽm, magie, đặc biệt là calci. Ví dụ, calci có nhiều trong sữa và ở tỷ lệ hấp thu cao hơn các thực phẩm khác, đặc biệt là sữa mẹ. Những trẻ uống sữa ít hơn số lượng khuyến nghị là một trong những nguy cơ mắc bệnh còi xương.
- Khi ăn dặm quá nhiều chất bột đường (glucid), chất đạm (protein) gây tình trạng rối loạn chuyển hóa, tăng đào thải calci ra nước tiểu.
- Người mẹ khi mang thai không bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin D, calci.
Mẹ cần làm gì khi trẻ bị còi xương
Để biết chính xác con mình có bị còi xương hay không, mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm dinh dưỡng hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Đối với trẻ đã được kết luận mắc bệnh còi xương, phương pháp điều trị chủ yếu đó là bổ sung vitamin D và calci.
Vitamin D được cung cấp từ hai nguồn, một là từ thức ăn, nhưng tỷ lệ này chiếm rất nhỏ. Hai là được tạo thành từ 1 tiền chất dưới da là 7-dehydro-cholesterol dưới tác động của ánh sáng mặt trời, đây là nguồn vitamin D chủ đạo của cơ thể. Vì vậy, để khắc phục tình trạng còi xương cho con, mẹ cần:
Cho con phơi nắng mỗi ngày
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần tránh để da bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Không nên cởi hết quần áo mà hãy để cơ thể bé dần làm quen với ánh nắng mặt trời. Đầu tiên chỉ nên để lộ bàn chân, mắt cá chân, sau đó đến lưng, bắp chân, đùi, ngực, tay, cổ… Mỗi bộ phận cơ thể chỉ nên tắm từ 3 – 5 phút, mỗi ngày chỉ nên tắm 1 – 2 lần là đủ.
- Nên cho trẻ tắm nắng trước 9h sáng và sau 5h chiều.
Mẹ nên cho trẻ phơi nắng mỗi ngày
Cung cấp vitamin D và calci
Mẹ có thể cho con bổ sung trực tiếp vitamin D và calci bằng các sản phẩm bổ sung có chứa đồng thời hai chất này. Về liều lượng sử dụng bao nhiêu, bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống của trẻ. Mẹ nên chọn các thực phẩm chứa nhiều calci như sữa và hải sản trong thực đơn hàng ngày của bé. Đặc biệt, chất béo là chất cần thiết để hỗ trợ trẻ hấp thụ được vitamin D, vì vậy mẹ cũng cần lưu ý bổ sung những chất béo có lợi cho bé hàng ngày.
Đến đây, hy vọng bạn đã trang bị được những kiến thức cơ bản về tình trạng còi xương ở trẻ cũng như có phương pháp để khắc phục hiệu quả. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM: