Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tìm hiểu về bệnh cúm mùa, mối nguy hiểm không kém gì virus Corona

Thứ ba, 18-02-2020 13:41 PM

 

Cúm mùa rất dễ lan rộng thành dịch vào mùa đông, bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch mũi họng tiết ra do hắt hơi. Bài viết hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh cúm mùa và mức độ nguy hiểm của cúm mùa so với virus corona nhé.

 

Bệnh cúm mùa là gì?

 

bệnh cúm mùa

 

  Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Ở nước ta, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm... 

 

 Triệu chứng bệnh cúm  

 Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho... Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

 

Thuốc điều trị triệu chứng:

    Đối với người mắc bệnh cúm nên cách ly, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Để hạ sốt, chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38 độ C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân; một số trường hợp cúm A bác sĩ có thể kê thêm thuốc hạ sốt ibuprofen nếu dùng paracetamol không đáp ứng.

 

Khi mắc cúm bệnh nhân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin) và cân bằng nước điện giải.

 

Thuốc điều trị đặc hiệu

    Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virus được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Cụ thể như bị cúm nặng, cúm ác tính hoặc cúm trên những bệnh nhân có nguy cơ dễ diễn biến nặng và có biến chứng như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... Các trường hợp này cần nhập viện điều trị. Tamiflu (oseltamivir phosphate), relenza (zanamivir) là hai loại thuốc kháng virus cúm được sử dụng chống lại virus cúm lưu hành gần đây. Tuy nhiên bệnh nhân nên nhớ là chỉ sử dụng những loại thuốc này khi được bác sĩ chỉ định.

 

Phòng ngừa cúm mùa như thế nào?

    Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc; Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Cần lưu ý, chống cúm bằng các thuốc kháng virus không phải là một thay thế cho việc tiêm phòng vắc-xin. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi.

 

Cúm mùa và virus corona, cái nào đáng lo hơn?

     Tính riêng ở Mỹ, cúm mùa đã khiến 19 triệu người nhiễm bệnh, 180.000 người nhập viện và 10.000 người chết riêng mùa này, theo số liệu của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh CDC.

 

   Chưa kể, không phải thuộc dạng "mới" như nCoV, cúm mùa đã là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học suốt hàng thập kỷ nay.

 

   Nhưng nói theo chiều ngược lại, điều đó cũng phần nào cho thấy chúng ta đã biết nhiều về virus gây cúm mùa và đoán được phần nào thương vong của năm nay. Còn đối với nCoV, những người lo ngại có lý do để... lo sợ: Vì nó quá mới, chưa ai biết quá rõ về nó và cái đáng sợ là mức độ lây lan và khả năng gây chết người của nó.

 

  Sau đây chúng ta cùng nhau phân biệt giữa cúm mùa với virus corona dựa trên những gì đã biết nhé. 

 

Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng

    Cả cúm mùa (gồm virus cúm A và cúm B) lẫn 2019-nCoV đều là virus truyền nhiễm gây bệnh đường hô hấp.

 

   Khi bị cúm, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng điển hình như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi... đôi lúc cúm còn gây nôn mửa và tiêu chảy. 

 

   Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục sau chừng hai tuần. Nhưng cũng có những người chịu biến chứng của cúm dẫn tới viêm phổi. Trong mùa cúm năm nay, khoảng 1% người dân Mỹ đã có biểu hiện nghiêm trọng tới mức nhập viện.

 

    Với nCoV-19, các bác sĩ tới nay đang cố tìm hiểu một bức tranh đầy đủ nhất về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Trong một nghiên cứu gần đây về khoảng 100 người bị nhiễm virus corona, công bố vào ngày 30-1 trên tạp chí Lancet, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho và khó thở.

 

virus corona

 

Chỉ có khoảng 5% bệnh nhân trong nghiên cứu đó cho biết có đau họng và chảy nước mũi, và chỉ 1-2% báo cáo về biểu hiện tiêu chảy, nôn và buồn nôn. Trong số hơn 20.000 trường hợp được báo cáo ở Trung Quốc cho tới nay, khoảng 14% đã được chẩn đoán nghiêm trọng, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 4-2.

 

Cũng theo WHO, điều quan trọng là các loại virus gây bệnh đường hô hấp thường khiến bệnh nhân có các triệu chứng tương tự nhau, nên rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào báo cáo triệu chứng từ bệnh nhân.

 

Tỉ lệ tử vong

   Cho đến lúc này, mùa cúm năm nay có khoảng 0,05% những người bị cúm đã chết vì virus cúm ở Mỹ, theo dữ liệu của CDC.

 

   Với 2019-nCoV - virus corona mới - tỉ lệ tử vong vẫn chưa rõ ràng do dịch đang tiếp diễn, nhưng dường như cao hơn so với cúm. Trong suốt đợt bùng phát năm nay, nCoV có tỉ lệ tử vong rơi vào khoảng 2%.

 

   Có điều, trong một cuộc họp báo ngày 28-1, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar lưu ý rằng nCoV chưa hẳn nguy hiểm như bản chất của nó. Theo ông Azar, đây là đợt bùng phát khởi điểm, nên số ca tử vong sẽ cao. Tỉ lệ tử vong có thể sẽ xuống thấp hơn khi các trường hợp nhiễm virus corona nhẹ hơn được xác định.

 

Khả năng lây nhiễm

Cách thức các nhà khoa học dùng để xác định mức độ dễ lây lan của virus được dựa trên "hệ số lây nhiễm cơ bản" R0 (phát âm là R-naught). Đây là cách ước tính số người trung bình nhiễm virus từ một ca nhiễm virus. Ví dụ một virus có R0 bằng 5 tức một người nhiễm có thể lây cho 5 người. Hiện nay theo New York Times, R0 của cúm mùa là khoảng 1,3.

 

   Các nhà nghiên cứu tới nay vẫn tìm cách xác định R0 cho virus chủng corona mới. Hôm 29-1, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí y học New England (NEJM) ước tính giá trị R0 của 2019-nCoV là 2,2, tức cứ một người nhiễm thì hơn 2 người khác sẽ bị lây.

 

   Nhưng theo Live Science, điều quan trọng cần lưu ý là R0 không nhất thiết là chỉ số bất biến. Ước tính R0 có thể thay đổi theo vị trí địa lý, phụ thuộc vào các yếu tố khác như tần suất người bị nhiễm tiếp xúc với người khác và nỗ lực giảm sự lây lan của virus.

 

Nguy cơ nhiễm bệnh

   Theo ước tính của CDC, trung bình khoảng 8% dân số nước Mỹ bị cúm mỗi mùa. Cũng ở Mỹ lúc này, có 11 trường hợp nhiễm virus corona, nhưng CDC cho biết rằng các loại virus mới bùng phát như 2019-nCoV luôn là mối quan tâm cho sức khỏe cộng đồng. Hiện nay cơ quan này cũng khuyến cáo cẩn thận vì không rõ tình hình virus mới sẽ diễn biến ra sao, song nhìn chung, nguy cơ sức khỏe tức thời đối với 2019-nCoV vẫn còn thấp.

 

Cái nào là đại dịch?

 

cúm mùa và virus corona cái nào đáng sợ hơn

 

2019-nCoV và cúm mùa, cái nào "xứng danh đại dịch"? Có vẻ tới nay cả hai đều sai.

 

    Dịch bệnh hàng năm như cúm mùa không được nhầm lẫn với "đại dịch cúm". Sự bùng phát toàn cầu của một loại virus gây cúm mới cũng rất khác với các chủng virus gây cúm đang hiện diện. 

 

    Lấy ví dụ vào năm 2009, đại dịch cúm lợn giết chết khoảng 151.000 - 575.000 người trên toàn cầu thì gọi là đại dịch, còn cúm mùa hiện nay không gọi là đại dịch, không tuyên bố đại dịch.

 

   Với 2019-nCoV, tới nay loại virus này cũng chưa được tuyên bố đại dịch do phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong xảy ra ở Trung Quốc.

 

   Ngày 30-1, WHO tuyên bố 2019-nCoV là "tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng đang được quốc tế quan tâm", với mục đích cảnh báo khả năng lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu.

 

Qua bài viết chúng ta thấy được mức độ nguy hiểm của cúm mùa cũng như virus corona. Do vậy chúng ta cần nêu cao ý thức phòng bệnh để tránh lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm này. Hy vọng bài viết trên hữu ích cho bạn đọc.

 

Xem thêm:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222