Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

WHO công bố bệnh đậu mùa khỉ "khẩn cấp toàn cầu"

Thứ tư, 21-08-2024 14:25 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo bệnh Mpox (còn gọi là đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh tại nhiều quốc gia châu Phi. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đang là địa phương có số ca mắc và tử vong do đậu mùa khỉ  cao nhất tại khu vực phía Nam trong hai năm 2023-2024.

 

WHO công bố bệnh đậu mùa khỉ "khẩn cấp toàn cầu".

WHO công bố bệnh đậu mùa khỉ "khẩn cấp toàn cầu".

 

WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu lần thứ hai trong hai năm

   Ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo bệnh Mpox (còn gọi là đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Cụ thể, bệnh này đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi. Đặc biệt trong 2 tháng gần đây, WHO đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong.

   Virus đậu mùa khỉ nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch này.  Bước đầu ghi nhận, một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong đợt dịch trước đó xảy trong năm 2022. Cụ thể:

  • Các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi).
  • Có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%).
  • Có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.

   Ở TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Viện Pasteur,  trong 2 năm 2023-2024, tại khu vực phía Nam ghi nhận 199 ca đậu mùa khỉ, bao gồm 8 ca tử vong. Tính riêng năm nay, TP. Hồ Chí Minh có 49 ca đậu mùa khỉ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đây đang là địa phương ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất khu vực phía Nam.

   Đặc điểm dịch tễ của đậu mùa khỉ tại TP. Hồ Chí Minh là:

  • 100% ca bệnh là nam giới.
  • Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 32 tuổi.
  • 84% ca bệnh tự nhận thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
  • Đáng chú ý, có 55% bệnh nhân là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

   Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện nay dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát, thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng.

 

Đậu mùa khỉ là gì?

   Đậu mùa khỉ (Monkey pox) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đậu mùa khi gây ra. Bộ Y tế đã xếp bệnh này vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức các bệnh có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ gồm:

- Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).

- Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (>38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

- Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

 

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh nhân đậu mùa khỉ nên làm gì?

   Tùy theo tình trạng triệu chứng của bệnh nhân, cở sở y tế sẽ xem xét bạn nên chăm sóc tại nhà hay tại cơ sở y tế.

   Nếu được hướng dẫn cách ly tại nhà, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau để tránh lây nhiễm cho những người khác sống cùng:

  • Thực hiện cách ly tại phòng riêng.
  • Sử dụng nhà vệ sinh riêng. Nếu không có nhà vệ sinh riêng thì cần dọn sạch sẽ nhà vệ sinh sau khi sử dụng bằng xà phòng, nước sạch và các dụng dịch khử khuẩn gia dụng. Chú ý chúng ta cần tránh quét hoặc hút gây phát tán các virus và làm lây nhiễm cho người khác.
  • Sử dụng riêng các đồ dùng như khăn mặt, ga gối và đồ điện tử.
  • Mở cửa sổ để thông khí.

   Nếu phải ở chung phòng hoặc tiếp xúc gần với người khác, cần chú ý:

  • Tránh sờ, chạm vào nhau.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Che các nốt ban trên da bằng quần áo hoặc băng gạc.
  • Luôn mở cửa sổ để thông khí.
  • Đeo khẩu trang y tế đúng cách.
  • Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét khi tiếp xúc.

Người xung quanh nên làm gì?

   Để tránh lây bệnh đậu mùa khỉ từ người khác, bạn cần lưu ý:

  • Đeo khẩu trang khi đến những vùng có nguy cơ hoặc phải tiếp xúc với người bệnh.
  • Đeo găng tay và khẩu trang nếu phải giặt quần áo, ga gối cho người nhiễm bệnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các dụng cụ cá nhân, bề mặt mà người bệnh chạm vào.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài gặm nhấm, động vật linh trưởng hoặc các động vật hoang dã (bao gồm cả tiếp xúc với động vật chết trong khu vực bị nhiễm bệnh).

   Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo tiêm phòng vắc xin này trên diện rộng cho mọi đối tượng mà chỉ khuyến cáo cho những đối tượng có nguy cơ.

 

Khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh đậu mùa khỉ

Khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh đậu mùa khỉ

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh đậu mùa khỉ. Mặc dù bệnh này được đánh giá dễ lây nhiễm nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp đã được nêu trên. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn nhiều sức khỏe!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222