Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Nước ăn chân - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tái phát

Thứ năm, 27-04-2023 15:54 PM

Mục lục [Ẩn]

 

     Trước đây, nước ăn chân là tình trạng rất thường gặp. Nhưng tỷ lệ mắc ngày càng giảm dần do có sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của con người. Tuy nhiên, với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao thì vẫn rất dễ mắc và bị tái phát nhiều lần.

    Nếu bạn cũng hay bị nước ăn chân, hãy theo dõi bài viết ngay sau đây để biết được nguyên nhân gây bệnh là gì cũng như cách điều trị và phòng ngừa tái phát hiệu quả nhé!

 

Nước ăn chân do nguyên nhân nào gây ra?

Nước ăn chân do nguyên nhân nào gây ra?

 

Nước ăn chân do nguyên nhân nào gây ra?

    Nước ăn chân hay còn được gọi là nấm kẽ chân là tình trạng đỏ mẩn, ngứa, cảm giác châm chích, da bị ẩm ướt thậm chí là loét ở vùng kẽ chân. Nặng hơn, người bệnh có thể bị bong tróc, nứt và chảy máu tại khu vực nhiễm bệnh.

     Về nguyên nhân, nước ăn chân là do một số loại nấm xuất hiện và phát triển, gây bệnh tại vùng da ở kẽ chân, có thể kể đến như Trichophyton Rubrum, Trichophyton Mentagrophytes, Epidermophyton Floccosum,...

      Những vi nấm này bình thường vẫn tồn tại trên bề mặt da của chúng ta, tuy nhiên chúng không thể phát triển và gây bệnh do không có điều kiện thuận lợi đồng thời bị kìm hãm bởi một số vi sinh vật khác cũng sống trên da như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.

     Khi chân thường xuyên tiếp xúc với nước, các bề mặt khác như lưng bàn chân, lòng bàn chân có thể nhanh chóng trở nên khô ráo, nhưng kẽ ngón chân thì cần nhiều thời gian để khô hơn, khiến nó hay trong tình trạng bị ẩm ướt. Môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi để các loại nấm kể trên sinh sôi nhanh chóng, làm tổn thương da và gây bệnh nấm kẽ chân hay còn gọi là nước ăn chân.

    Nếu để bệnh kéo dài, vùng tổn thương và nhiễm nấm sẽ lan rộng ra nhiều khu vực da khác và  trở nên khó điều trị hơn.

   Những người có đặc thù công việc thường xuyên ở trong môi trường độ ẩm cao, ngâm chân trong nước bẩn thời gian dài sẽ có nguy cơ rất cao bị nước ăn chân.

 

Nước ăn chân dễ gặp ở người phải lội nước thường xuyên

Nước ăn chân dễ gặp ở người phải lội nước thường xuyên

 

    Ngoài nguyên nhân do chân thường xuyên tiếp xúc với nước thì nước ăn chân cũng có thể xuất hiện khi:

  • Đeo giày hoặc tất (vớ) ẩm.
  • Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh, đặc biệt là khi đi chung giày hoặc vớ đã nhiễm nấm.
  • Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng da với vết thương hở là điều kiện thuận lợi để nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh.

 

Xử lý nước ăn chân như thế nào?

    Nước ăn chân là bệnh dễ xử lý khi bạn kết hợp hai phương pháp là dùng thuốc và vệ sinh, giữ chân khô ráo.

     Vì nguyên nhân gây nước ăn chân là do sự sinh sôi, phát triển của vi nấm nên các thuốc được dùng là thuốc kháng nấm bôi ngoài da, một số trường hợp phải dùng thêm thuốc đường uống khi cần thiết.

Thuốc bôi tại chỗ trị nấm

Các thuốc kháng nấm phổ biến hiện nay gồm: thuốc chứa nhóm allylamine, thuốc chứa nhóm azole như ketoconazole, miconazole,… Khi dùng thuốc kháng nấm tại chỗ, bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế tối đa việc để chân tiếp xúc với nước, chỉ rửa chân khi cần thiết và làm khô chân, dùng khăn khô và sạch thấm khô kẽ chân ngay sau khi rửa. Sau khi rửa chân, lớp thuốc bôi trước đó sẽ bị rửa trôi nên bạn cần thoa lại một lớp thuốc khác.
  • Không ngâm chân dưới bất kỳ hình thức nào như ngâm chân nước muối, ngâm nước có chứa dung dịch sát khuẩn, ngâm nước sạch…
  • Bôi đủ lượng đúng vào vùng da tổn thương theo hướng dẫn, không bôi quá nhiều.

 

Dùng thuốc bôi tại chỗ để trị nước ăn chân

Dùng thuốc bôi tại chỗ để trị nước ăn chân

 

Thuốc trị nấm dùng toàn thân

      Trong trường hợp nước ăn chân không chỉ xuất hiện ở chân mà lan rộng toàn thân hoặc không đáp ứng tốt với thuốc bôi, bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân thuốc trị nấm đường uống. Thuốc thường dùng thuộc các nhóm sau: nhóm azole, nhóm griseofulvin. Loại thuốc trị nấm dùng phổ biến nhất là có thành phần từ ketoconazole (thuộc nhóm azole), khi dùng cần lưu ý những điểm sau:

  • Không dùng với bệnh nhân có chức năng gan, thận kém.
  • Không dùng kết hợp ketoconazole với các thuốc sau trong thời gian dài: triazolam, astemizole, lovastatin,....

   Ngoài thuốc kháng nấm, bạn có thể dùng 1 số loại thuốc điều trị triệu chứng, đẩy nhanh tốc độ hồi phục da như: thuốc kháng sinh, sát khuẩn tại chỗ, thuốc kháng histamin,...

 

Phòng ngừa nước ăn chân tái phát bằng cách nào?

     Đặc điểm của bệnh nước ăn chân đó là nó dễ tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là khi bệnh nhân tiếp tục có các yếu tố nguy cơ như thường xuyên ngâm chân trong nước bẩn, đi giày và đeo tất ẩm…

   Để tránh tình trạng bị nước ăn chân tái phát, bạn nên lưu ý những giải pháp phòng ngừa sau đây:

  • Hạn chế tối đa việc lội hay ngâm chân trong nước bẩn.
  • Nếu phải lội vào vùng nước bẩn thì cần đeo giày chống thấm nước có cổ cao, đeo ủng. Sau khi kết thúc, bạn cần rửa sạch sẽ chân  bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn rồi lau khô luôn, đặc biệt là vùng kẽ chân.
  • Tránh tuyệt đối việc đi giày ẩm, tất ẩm và đeo chung giày, tất với người đang bị nước ăn chân.
  • Không đi giày cả ngày để tránh chân đổ mồ hôi và bốc mùi, tạo điều kiện cho vi nấm gây bệnh nước ăn chân phát triển.
  • Rửa sạch chân hàng ngày, giữ vệ sinh chân sạch sẽ.
  • Khi có dấu hiệu nước ăn chân tái phát thì cần tăng cường áp dụng các biện pháp trên, đồng thời bôi luôn thuốc chống nấm ngoài da để tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Không gãi nhiều nếu bị nước ăn chân để tránh vi nấm lan rộng hơn.

    Như vậy, nước ăn chân là bệnh dễ cải thiện nếu bạn có phương pháp điều trị hiệu quả kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý như hướng dẫn như trên. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222