Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào? Làm sao để phòng ngừa?

Thứ ba, 09-07-2024 16:35 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Những ngày vừa qua, nhiều người vô cùng lo lắng khi có thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang. Vậy bạch hầu là bệnh gì, bệnh này nguy hiểm thế nào? Làm sao để phòng ngừa? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!

 

 

Một ca tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người phải cách ly

   Được biết, trước đó vào ngày 24/6, nữ sinh P.T.C (trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, Kỳ Sơn, Nghệ An) có biểu hiện ho, sốt, đau họng.

   Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không khỏi. Từ ngày 26 - 28/6, nữ sinh này tham gia thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Kỳ Sơn. Sau khi thi xong, em về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị. Đến ngày 4/7, bệnh nhân trở nặng nên bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

   Tại đây, bệnh nhân C. nhập viện với chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Đến 4h sáng 5/7, bệnh nhân C. tử vong.

   Sau điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định có 119 người từng tiếp xúc gần với nữ sinh C. Trong đó, M.T.S. và M.T.B. đã di chuyển ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang.  Lúc này, M.T.B. có dấu hiệu đau họng, tự mua thuốc uống. CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm xác định cô cũng mắc bạch hầu. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội để điều trị.

   Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tuy nhiên hiện lực lượng chức năng chưa thống kê hết số người từng tiếp xúc bệnh nhân do phạm vi di chuyển rộng, đã qua nhiều ngày.

 

Bệnh bạch hầu là gì?

   Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Khác với các bệnh thông thường khác, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra.

   Bạch hầu được phân loại là "bệnh truyền nhiễm nhóm B" - có khả năng lây truyền nhanh, gây dịch và tỷ lệ tử vong cao, lên đến khoảng 5-10% và cao hơn ở trẻ nhỏ.. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng từ người bệnh hoặc người mang vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc gián tiếp với đồ chơi, vật dụng có chất bài tiết chứa vi khuẩn.

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

   Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh 2 - 5 ngày, lúc này cơ thể chưa có triệu chứng. Sau thời gian này, người bệnh có thể nhận thấy triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu như sau:

 

Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú ở hầu họng, thanh quản tạo thành lớp giả mạc.

Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú ở hầu họng, thanh quản tạo thành lớp giả mạc.

 

  • Sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu, khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ…
  • Ở giai đoạn toàn phát, bệnh biểu hiện rõ ràng với các triệu chứng điển hình như sốt cao, nuốt đau, da xanh tái, khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc hai bên amidan, có thể lan trùm cả lưỡi gà lẫn màn hầu. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh bạch hầu.
  • Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
  • Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
  • Với thể bệnh tối cấp (hay còn gọi là bạch hầu ác tính), bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, mạch nhanh, tụt huyết áp, suy tim mạch, da xanh tái và xuất huyết dưới da. Với thể này, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh, có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 - 48 giờ mặc dù được điều trị tích cực.

 

Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?

   Như đã nói ở trên, bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi.

   Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu có thể điều trị khỏi và giảm nguy cơ biến chứng nếu phát hiện, chữa trị kịp thời bằng kháng độc tố bạch hầu cùng kháng sinh đặc hiệu. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc nghẽn đường hô hấp: Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.
  • Viêm cơ tim: Độc tố của bệnh bạch hầu có thể gây ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim, suy tim. Nếu bệnh nhân bị viêm cơ tim ở những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.
  • Viêm dây thần kinh: Độc tố bạch hầu gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh và làm dây thần kinh tê liệt. Biến chứng này thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác.
  • Liệt cơ hoành: Ở người bệnh bạch hầu,  cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, người bệnh có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, biến chứng này cũng có khả năng dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.

 

Phòng ngừa bệnh bạch hầu thế nào?

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên:

  • Tiêm vắc xin bạch hầu: Đây là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
  • Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  • Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

 

Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

 

   Bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh bạch hầu. Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu bệnh được nhắc đến trong bài, bạn hãy đến ngay các trung tâm y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222