Trên báo Dân trí, chúng tôi đọc được câu chuyện về chị Nguyễn Thị Ngọc Thuy – một người mẹ đơn thân lặng lẽ gồng gánh ba số phận. Hai đứa con thơ bệnh tật, không nơi nương tựa. Người mẹ già – chỗ dựa cuối cùng – giờ đây cũng lâm vào cảnh suy thận, phải chạy thận mỗi tuần. Trong căn nhà nhỏ đi mướn, chị sống lay lắt qua ngày, vừa là mẹ, vừa là cha, vừa là trụ cột của cả gia đình – dù bản thân đã cạn kiệt sức lực. Câu chuyện ấy khiến công ty Botania chúng tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Và chúng tôi đã lên đường, tìm đến tận nơi, không phải để làm điều lớn lao, mà chỉ mong góp chút yêu thương nhỏ bé, để chị biết rằng: mình không đơn độc.
Mẹ con chị Thuy (ảnh Dân trí)
Tuổi thơ khuyết thiếu và hành trình làm mẹ gập ghềnh
Căn phòng trọ nhỏ, chưa đầy 20m², nằm sát mép con hẻm khu phố 8, phường 11, quận Gò Vấp, là nơi chị Thuy cùng hai con và mẹ già nương nhờ suốt nhiều năm qua. Một phần căn phòng được ngăn lại làm nơi ngủ, phần còn lại là chỗ để xe và chồng chất đồ đạc sinh hoạt. Chị Thuy tiếp công ty Botania chúng tôi với nụ cười gượng, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng ánh mắt đầy trĩu nặng.
Chị kể, năm chị 14 tuổi, cha mẹ ly thân. Từ đó, chị và em gái sống cùng mẹ – người phụ nữ ngày ngày đẩy xe bánh ướt rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn, từ sáng sớm đến tối mịt. Gia cảnh nghèo khó, chị nghỉ học sớm để phụ mẹ. Năm 16 tuổi – cái tuổi trẻ bồng bột và thiếu hiểu biết, chị có thai với một người đàn ông trung niên. Anh ta rũ bỏ trách nhiệm, yêu cầu chị phá thai. Nhưng chị không đành lòng. Chị quyết giữ đứa bé – đứa con trai đầu lòng tên Nguyễn Thái Vũ.
"Lúc đó em chỉ biết ôm bụng bầu về nhà mẹ. Không nghĩ gì nhiều, chỉ biết đó là máu mủ của mình", chị Thuy kể với công ty Botania với vẻ mặt nặng trĩu.
Sau một lần lỡ dở đã khiến chị khép lòng, mãi cho tới năm 2014, chị mới mở lòng và kết hôn với một đồng nghiệp – người đàn ông tốt bụng, thương con riêng của chị như con ruột. Nhưng gia đình chồng không chấp nhận một người con dâu đã có con riêng như chị. Trớ trêu thay, đúng lúc ấy, bé Vũ bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu bất thường: chậm nói, dễ kích động, không thể kiểm soát hành vi. Kết quả khám tâm thần cho biết bé chỉ số IQ hơn 40 – thuộc nhóm khuyết tật trí tuệ.
“Người ta nói chỉ số IQ bình thường là 85–115. Con em chỉ hơn 40. Em nghe mà choáng váng. Em biết là con em sẽ lại khổ cả đời, việc đi học có khi cũng là khó khăn với con. Em muốn con đi học trường chuyên biệt nhưng nhìn lại kinh tế gia đình thì chắc không được rồi các anh chị ạ” - chị Thuy nghẹn ngào.
Vốn đã có định kiến với chị nên khi phát hiện sức khỏe của bé Vũ như thế chính là giọt nước tràn ly khiến mâu thuẫn giữa chị và gia đình chồng căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Cực chẳng đã một lần nữa chị Thuy đành dẫn con quay về nhà mẹ ruột. Tháng 9/2015, bé gái Nguyễn Hoàng Anh chào đời trong cảnh thiếu vắng người cha.
Nỗi đau chưa dừng lại…
Cuối năm 2022, chị phát hiện một khối u lạ trên đùi trái của bé Hoàng Anh. Chị đưa con đi khám và bác sĩ ban đầu chẩn đoán là bướu mỡ. Nhưng sau Tết Nguyên đán 2023, khối u to nhanh bất thường. Sau khi phẫu thuật sinh thiết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ thông báo: Sarcoma mô mềm ác tính, nguy cơ cao, đã xâm nhiễm mạch.
"Nghe tin xong, em như sụp đổ. Bé Vũ chưa hết khổ, giờ tới con gái. Em không biết làm sao sống tiếp…", nhìn chị Thuy khóc, công ty Botania chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn, cầm lấy bàn tay đang run rẩy của chị để vỗ về.
Bé Hoàng Anh phải phẫu thuật cắt khối u, rồi chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hóa trị gấp. Nguy cơ cắt bỏ chân luôn treo lơ lửng nếu bệnh không đáp ứng thuốc. Mỗi tháng, tiền viện phí từ 20–30 triệu đồng, may nhờ có bảo hiểm y tế nên chỉ đóng 6–7 triệu, cộng thêm với các khoản chi phí khác thì số tiền chị cần lo cũng lên tới 10 triệu đồng. Nhưng với người phụ nữ đơn thân như chị Thuy, số tiền đó là quá sức, trong khi đó nợ nần vẫn còn gánh trên vai: “Sau 2 năm điều trị cho con, số tiền đã chi là hơn 300 triệu rồi anh ạ, số tiền đó em mượn từ tiền dưỡng già của mẹ và bà con thân thuộc chứ bao năm trời em không để dành được đồng nào cả”. Chị Thuy từng là công nhân. Sau này, chị nghỉ làm để bán trái cây chợ Hạnh Thông Tây, giao hàng online, giúp việc nhà theo giờ. Một ngày của chị bắt đầu từ nửa đêm – khi ra chợ Hóc Môn lấy hàng – và kết thúc lúc tối mịt sau khi tranh thủ làm thêm giờ.
“Con nằm viện, em ôm điện thoại bán hàng online, có đơn là tranh thủ giao. Có khi đang ở viện, em gửi con cho người cùng phòng rồi chạy đi giao hàng...”. Dù kiệt sức, chị vẫn không bỏ cuộc. Có những ngày quá mệt mỏi, chị chỉ biết ôm con mà khóc.
Để có chi phí chữa bệnh cho con, chị Thuy phải làm đủ nghề (ảnh Dân trí)
“Em từng nói với con: chắc mẹ bỏ cuộc quá… mệt quá rồi! Nó ôm mẹ, nói: ‘Mẹ ơi, mẹ phải sống với con. Nếu mẹ bỏ cuộc thì ai cứu con?’…”- Câu nói của bé Hoàng Anh là thứ níu giữ chị giữa vực thẳm, là thứ khiến chị gạt nước mắt, tiếp tục bước.
Tai họa tiếp tục ập xuống khi người mẹ già lại gục ngã
Trước đây, mẹ chị Thuy – bà Sương – còn có thể phụ chăm cháu. Nhưng từ sau đợt dịch, bà bị biến chứng tiểu đường nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn 3, phải chạy thận 3 lần/tuần. Căn nhà duy nhất của gia đình – vốn không có giấy tờ – buộc phải đem cầm để lấy tiền chữa bệnh. Giờ đây, bốn con người sống chen chúc trong căn trọ thuê nhỏ xíu. Cả một gia đình chỉ còn trông chờ vào đôi tay của người mẹ trẻ đã gần như cạn sức.
Sau khi lắng nghe câu chuyện của chị Thuy, công ty Botania chúng tôi không thể ngồi yên , và gửi tới tận tay chị phần quà là một số tiền thiết thực sẽ phần nào giúp chị đối mặt và có thêm niềm tin để vượt qua hoàn cảnh khó khăn này. “Em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn!”– chị Thuy nghẹn ngào nói. Còn chúng tôi – mỗi thành viên của công ty Botania luôn tin rằng, mỗi hành động nhỏ, mỗi tấm lòng trao đi, đều có thể làm dịu đi một phần nỗi đau của cuộc sống.
Đại diện công ty Botania trao quà cho mẹ con chị Thuy
Và hôm nay, khi chúng tôi rời khỏi căn phòng trọ ấy, điều đọng lại lớn nhất chính là niềm kính phục trước sức sống mãnh liệt của một người mẹ.
Nếu bạn đã đọc được bài viết này và trái tim đang run lên vì đồng cảm, xin hãy cùng chúng tôi trao đi một chút ấm áp. Vì có thể, chỉ một chút lòng tốt của bạn cũng đủ giữ lại niềm tin cho một đứa trẻ đang chống chọi với ung thư, cũng đủ làm nhẹ đôi vai gầy của một người mẹ đã quá mỏi mệt.